Nên Sử Dụng Loại Mỡ Bò Nào Cho Chi Tiết Nào Trong Hệ Thống Phanh ?
Các loại mỡ tra phanh trên thị trường hiện nay không thiếu. Các NCC các mỡ chuyên dụng này chắc chắn đã nói rất nhiều về tính năng, công dụng, thành phần, chất lượng, sự tương hợp, và các hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho từng vị trí cụ thể trong cơ cấu phanh. Các clip trực quan trên youtube cũng nhiều.
Vấn đề lớn nhất của mỡ tra phanh vẻ như nằm ở tính tương thích của các chất liệu, mà phổ biến nhất, như nhiều thắc mắc gần đây của một số chiến hữu, là mức độ ảnh hưởng (xấu) của các dòng mỡ đang có đối với roăn cao su (o-ring, seal) và các chi tiết nhựa tổng hợp.
Sự không tương thích về chất liệu hay sự kém thân thiện này có thể có nhiều mức độ (tương đối) khác nhau. Hệ quả có hại đối với các roăn cao su (và các chi tiết nhựa) tổng hợp diễn ra ở các mức độ (và cường độ) khác nhau. Sự trương nở (swell) hay giòn nứt (crack) của cao su hoặc nhựa vì thế có thể nhanh chậm khác nhau, chỉ khi tra mỡ vào một thời gian dài ngắn sau đó mới thấy.
Điều có thể hiểu được là, các mỡ chuyên dụng của các NCC khác nhau có thể có công thức thành phần các phụ gia khác nhau, hơn thua nhau ở đó, để điều chỉnh hoặc dung hòa giữa nhu cầu ích lợi và các tác dụng phụ không mong muốn. Mỡ dùng cho cơ cấu phanh không chỉ cần 1 loại mà có thể tới 2-3 loại khác nhau cho các vị trí khác nhau.
Nhìn chung, yêu cầu phổ biến của các mỡ tra phanh là tính năng bền nhiệt, tức mỡ phải có mức chịu nhiệt đủ cao phù hợp cho từng khu vực/ vị trí sử dụng. Các dòng mỡ có gốc khác nhau sẽ có các đặc tính ưu/ khuyết khác nhau. Mỡ gốc silicon và mỡ PTFE vượt trội về độ bôi trơn, làm kín, ngăn nước, chịu mài mòn ma sát tốt, và khả năng tương thích cao với hầu hết nhựa và cao su tổng hợp, nhưng mức chịu nhiệt thì không cao như các mỡ gốc kim loại và gốc dầu khoáng.
Các mỡ gốc kim loại (như mỡ bò đồng) vượt trội về tính năng chống bó cứng (anti-seize) giúp dễ tháo lắp hơn sau này, nhưng một thời gian sau thì thường bị lắng cặn từng mảng quền quện gây bẩn nhiều. Các mỡ gốc KL còn được cho là không phù hợp trên hệ phanh ABS do cảm ứng "đọc" thấy KL sẽ báo lỗi.
Vậy nên, việc chọn loại mỡ nào cho từng vị trí nào của cơ cấu phanh sẽ còn tùy vào việc xác định chính xác thành phần chất liệu (hoặc gốc) của các chi tiết roăn cao su tổng hợp có trong từng bộ phận cấu thành của phanh. Điều rất quan trọng này vẻ như chỉ có thể xác định bằng cách dựa vào tài liệu kỹ thuật của NSX phanh.
Cuối cùng, sự tương thích hay tương hợp giữa các dòng mỡ có gốc khác nhau khi sử dụng cho các mục đích thông thường khác (ngoài cơ cấu phanh) như bản lề cửa, roăn kính, bánh răng hay trượt kính bấm, rãnh trượt sun-roof, dây đai an toàn,... và các khu vực kết cấu đa chất liệu bất kỳ có mặt cao su và nhựa tổng hợp, cũng sẽ phải tính đến khía cạnh quan trọng này.
Với các mục đích bôi trơn bảo vệ thông thường như vậy (không cần mức nhiệt quá cao như cơ cấu phanh), việc sử dụng mỡ gốc silicon và mỡ PTFE xem ra là lựa chọn tốt hơn. Để dung hòa các lợi ích tối đa và giảm thiểu các tác hại trong cơ cấu phanh, việc sử dụng mỡ gốc ceramic có lẽ là lựa chọn tốt nhất. Có thể nói đó là công nghệ mới nhất.